Có người thấy an toàn khi ở bên người mình yêu. Nhưng cũng có người cứ mãi lo âu, níu giữ hoặc né tránh, sợ bị tổn thương nếu đến gần quá mức.
tldtu
19/05/2025
Sự gắn bó về mặt cảm xúc là một phần bản chất của con người, bắt đầu từ ngay từ khi chúng ta còn là những em bé với mối gắn bó đầu tiên cùng cha mẹ hoặc người chăm sóc của mìn
Theo thuyết gắn bó (attachment theory) do nhà tâm lý học người Anh John Bowlby phát triển từ những năm 1950, cách trẻ được yêu thương và chăm sóc từ nhỏ sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta gắn bó với người bạn đời và những mối quan hệ về sau.
Thuyết gắn bó nhấn mạnh rằng cách nhu cầu của một đứa trẻ được đáp ứng bởi người chăm sóc (thường là bố mẹ) sẽ quyết định "chiến lược gắn bó" của đứa trẻ đó trong suốt cuộc đời.
Giống như cách chúng ta học đi, học nói, những trải nghiệm ban đầu với người chăm sóc sẽ định hình cách bộ não và cảm xúc của chúng ta phản ứng trong các mối quan hệ sau này. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến cách chúng ta xây dựng mối quan hệ với bạn đời.
Khi những người chăm sóc đáp ứng đầy đủ nhu cầu của trẻ, trẻ sẽ phát triển kiểu gắn bó an toàn. Chúng tin tưởng và cảm thấy thoải mái khi dựa dẫm vào những người thân của mình.
Ngược lại, nếu người chăm sóc không đáp ứng đầy đủ những gì trẻ cần, trẻ sẽ dần phát triển những dạng thức gắn bó bất an.
Qua nhiều nghiên cứu phân loại sau này, sự gắn bó được chia thành bốn kiểu chính:
(1) Gắn bó an toàn (Secure):
Hãy tưởng tượng một người luôn cảm thấy thoải mái và tự tin trong các mối quan hệ. Đó chính là người có kiểu gắn bó an toàn. Họ thường có chỉ số cảm xúc (EQ) cao, nghĩa là họ hiểu rõ cảm xúc của bản thân và người khác, đồng thời biết cách xử lý chúng một cách tích cực.
Trong tình yêu và các mối quan hệ thân thiết, họ trao và nhận sự quan tâm, yêu thương một cách lành mạnh. Họ không ngại thể hiện tình cảm và cũng sẵn sàng đón nhận tình cảm từ người khác. Điều đáng chú ý là họ cảm thấy an tâm dù ở một mình hay khi ở bên cạnh người yêu.
Khi có vấn đề xảy ra, thay vì tìm cách đổ lỗi, họ tập trung vào việc giải quyết vấn đề một cách xây dựng. Họ tin tưởng vào sự bền vững của tình yêu và các mối quan hệ lâu dài. Những người này thường có cái nhìn tích cực về bản thân và cả những người xung quanh. Họ tin rằng mình xứng đáng được yêu thương và người khác cũng vậy.
(2) Gắn bó lo âu (Anxious):
Ngược lại với kiểu an toàn, những người có kiểu gắn bó lo âu thường dễ dàng "say nắng" và nảy sinh tình cảm với người khác. Tuy nhiên, trong mối quan hệ, họ lại thường xuyên cảm thấy ghen tuông và thiếu tin tưởng vào đối phương. Thậm chí, đôi khi họ có xu hướng cố tình tạo ra sự ghen tuông để kiểm tra tình cảm của người kia.
Nhu cầu lớn nhất của họ là nhận được sự quan tâm liên tục và sự đảm bảo từ đối phương. Họ luôn cần biết rằng mình được yêu thương và trân trọng. Đáng tiếc là họ thường có cái nhìn tiêu cực về bản thân, cảm thấy mình không đủ tốt, nhưng lại có cái nhìn tích cực về người khác, lý tưởng hóa đối phương.
(3) Gắn bó né tránh (Avoidant):
Đây là những người cực kỳ độc lập và tự chủ. Họ quen với việc tự mình giải quyết mọi thứ và thường không thoải mái với sự thân mật, gần gũi. Họ sợ những ràng buộc trong mối quan hệ và rất giỏi dùng lý trí để né tránh những tình huống quá thân mật.
Họ thường than phiền rằng cảm thấy "ngột ngạt" hay "bị bó buộc" khi người khác cố gắng tiếp cận gần gũi. Trong mọi mối quan hệ, họ luôn "chừa một đường lui" cho bản thân. Họ có xu hướng xây dựng một lối sống tránh né sự ràng buộc hoặc quá nhiều sự thân mật.
Người có kiểu gắn bó né tránh thường cho rằng tình yêu là thứ hiếm hoi và không bền vững. Khi trưởng thành, họ gặp khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ thân mật, không đầu tư nhiều cảm xúc và thường chỉ cảm thấy hơi buồn khi mối quan hệ kết thúc. Họ có thể tránh tiếp xúc gần gũi bằng cách viện cớ hoặc mơ tưởng về người khác trong lúc ở bên cạnh đối phương. Họ cũng dễ chấp nhận các mối quan hệ ngắn ngủi, thậm chí là tình một đêm. Một đặc điểm phổ biến khác là họ khó khăn trong việc hỗ trợ người yêu khi gặp khó khăn và ngại chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ cá nhân.
Kiểu gắn bó né tránh thường hình thành từ tuổi thơ thiếu vắng sự bế ẵm, vỗ về đầy đủ, dù nhu cầu vật chất vẫn được đáp ứng. Thường thì nam giới có xu hướng thuộc kiểu né tránh nhiều hơn nữ giới. Họ có cái nhìn tích cực về bản thân, cho rằng mình mạnh mẽ và độc lập, nhưng lại có cái nhìn tiêu cực về người khác, có thể cho rằng người khác quá dựa dẫm hoặc đòi hỏi.
(4) Gắn bó lo âu - né tránh (Anxious-Avoidant / Fearful)
Đây là kiểu gắn bó phức tạp, kết hợp những đặc điểm tiêu cực của cả kiểu lo âu và né tránh. Họ không chỉ sợ sự thân mật và ràng buộc mà còn nghi ngờ, thậm chí có thái độ tiêu cực với bất kỳ ai cố gắng tiếp cận.
Người có kiểu lo âu - né tránh thường dành phần lớn thời gian ở một mình trong sự khổ sở hoặc chấp nhận những mối quan hệ bạo hành, lệch lạc. Kiểu gắn bó này thường hình thành từ một tuổi thơ bị bạo hành và bỏ bê nghiêm trọng và thường đi kèm với các vấn đề tâm lý khác như bạo hành vật chất, trầm cảm. Họ có cái nhìn tiêu cực về tất cả mọi thứ và mọi người, dẫn đến việc mất khả năng xây dựng và duy trì các mối quan hệ lành mạnh.
*Lưu ý rằng: Cách chúng ta gắn kết với người khác khi còn nhỏ có thể khác với cách chúng ta làm điều đó khi lớn lên, vì cuộc sống mang đến nhiều điều mới mẻ. Tuy nhiên, những "khuôn mẫu" từ thời thơ ấu vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến các mối quan hệ sau này. Chúng ta có thể có những cách cư xử khác nhau trong các mối quan hệ khác nhau, nhưng thường sẽ có một cách "chủ đạo.
Từ cách bạn lựa chọn người yêu, cách bạn giải quyết xung đột, đến mức độ tin tưởng bạn dành cho đối phương, tất cả có thể bị chi phối bởi kiểu gắn bó của bạn. Vậy, các kiểu gắn bó này thực sự tác động đến mối quan hệ của bạn như thế nào?
Có thể xem xét qua 3 khía cạnh:
Một điều thú vị là người lo âu và người né tránh thường có xu hướng thu hút lẫn nhau, tạo nên mối quan hệ "người đeo đuổi - người bị đeo đuổi".
Dù những trải nghiệm đầu đời rất quan trọng, kiểu gắn bó của bạn không phải là bản án chung thân. Nó có thể thay đổi theo thời gian, mặc dù có thể chậm và khó khăn.
Vậy làm sao để thay đổi?
Những hoạt động "vun đắp tình cảm" đơn giản như chia sẻ tâm sự sâu sắc hoặc cùng nhau làm việc gì đó cũng có thể mang lại lợi ích, đặc biệt với người né tránh. Kể cả việc viết nhật ký về cảm xúc và cách đối phương đối xử cũng giúp tăng sự tích cực trong mối quan hệ.
Hiểu về kiểu gắn bó giúp giải thích khó khăn và mở đường cho mối quan hệ lành mạnh hơn. Người an toàn thường hạnh phúc, khỏe mạnh và có quan hệ bền vững hơn. Thay đổi cần kiên nhẫn nhưng TLDTU tin vào kết quả tốt đẹp.